• Giải Ngố
  • Tiếng Anh
  • Blog
  • Toplist
  • Gen Z
  • Tâm Lý

GDTD - Blog Chia Sẻ Kiến Thức Hay

Hội chứng sợ búp bê (Pediophobia): Điều gì đã gây ra?

10/01/2023 by GDTD Leave a Comment

Hội chứng sợ búp bê (Pediophobia) đề cập đến nỗi sợ hãi trước các đồ vật vô tri vô giác có hình dáng giống với con người hoặc nỗi sợ hãi về bất kỳ thứ gì mô phỏng con người thật. Tình trạng này có thể gây ra một số phiền toái trong cuộc sống, thậm chí còn ảnh hưởng không ít đến sức khỏe tinh thần nên cần được điều trị kịp thời và đúng cách.

hội chứng sợ búp bê
Hội chứng sợ búp bê không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà còn có thể tiếp diễn ở tuổi trưởng thành

Hội chứng sợ búp bê là gì?

Hội chứng sợ búp bê (Pediophobia) là một trong những dạng ám ảnh sợ cụ thể đề cập đến nỗi sợ hãi hoặc lo lắng tột độ không chính đáng, phi lý và dai dẳng về búp bê. Nghĩ về hoặc nhìn thấy một con búp bê có thể gây ra các triệu chứng căng thẳng và lo lắng nghiêm trọng cho người mắc chứng Pediophobia, ngay cả khi họ biết rằng nỗi sợ đó là vô lý.

Pediophobia là một dạng ám ảnh sợ hãi đối với tất cả các đồ vật có hình dạng giống với con người (có thể không giống hoàn toàn). Bao gồm rối nói tiếng bụng, tượng sáp, robot hình người, ma-nơ-canh,…

Một số người mắc chứng Pediophobia sợ tất cả các loại “búp bê”. Trong khi đó, những người khác được biết là chỉ sợ các loại cụ thể như búp bê nhồi bông, búp bê biết nói/ biết đi, búp bê sứ Trung Quốc,…

Trên thực tế, búp bê là một loại đồ chơi rất quen thuộc của trẻ em. Đặc biệt là các bé gái thường rất yêu thích búp bê và dành nhiều thời gian chơi với chúng. Điều này có thể giúp nuôi dưỡng trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý nếu con gái nhỏ của mình bắt đầu la hét khi nhìn thấy búp bê. Mặc dù hầu hết các trường hợp sợ hãi ở thời thơ ấu sẽ biến mất khi trẻ lớn lên nhưng trong một số trường hợp, nỗi ám ảnh sợ này có thể tồn tại ngay cả khi trưởng thành.

Điều gì đã gây ra hội chứng sợ búp bê?

Tương tự như bất cứ nỗi ám ảnh sợ cụ thể nào khác, hội chứng sợ búp bê (Pediophobia) cũng có thể được kích hoạt bởi một sự việc tiêu cực hay đau thương dữ dội trong quá khứ hoặc thời thơ ấu của một người với búp bê. Sau đó tâm trí sẽ mãi mãi gắn những con búp bê với tổn thương. Đồng thời nhớ lại những cảm giác tiêu cực đã trải qua.

Các nguyên nhân khác của chứng sợ Pediophobia thường là trải nghiệm gián tiếp kích thích và khơi dậy nỗi sợ hãi. Điều này có thể bao gồm các bộ phim kinh dị trong đó búp bê được mô tả theo cách rất tiêu cực, có hại hoặc đáng sợ. Halloween cũng có thể mang đến nỗi sợ hãi dữ dội.

nguyên nhân của Pediophobia
Sự phát triển Pediophobia có thể bắt nguồn từ trải nghiệm phim kinh dị về búp bê như Annabelle

Xét về yếu tố tâm linh, búp bê đã được sử dụng nhằm tạo ra “lời nguyền” đáng sợ đối với người khác. Do đó đối với một người (ngay cả khi không trải nghiệm trực tiếp) thì búp bê vẫn có thể đại diện cho cái ác, ma mị và ám ảnh. Ngoài ra, một số yếu tố khác như di truyền và môi trường cũng đóng một phần trong việc phát triển chứng sợ Pediophobia.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ búp bê

Chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể sẽ xảy ra khi một người có nỗi sợ hãi cực độ và dai dẳng đối với một đồ vật nhất định. Thông thường, người bệnh sẽ cố gắng hết sức để né tránh đối tượng khiến họ bị ám ảnh. Đây được cho là một chiến lược đối phó khá hiệu quả trong thời gian ngắn.

Mặc dù những người mắc chứng sợ hãi có thể nhận thức được rằng không có sự nguy hiểm hoặc mối đe dọa thực sự nào từ đối tượng nhưng họ vẫn bất lực để ngăn chặn nỗi sợ hãi thái quá và phi lý của mình. Đối với những người khác, nỗi sợ hãi và cảm giác nguy hiểm trông rất phi lý. Tuy nhiên với người đang trải qua chứng sợ hãi thì điều này lại rất thực tế.

Trong trường hợp chứng sợ Pediophobia thì đối tượng sợ hãi là búp bê. Có thể bao gồm cả búp bê giống người hoặc các loại đồ chơi nhồi bông. Giống như hầu hết các chứng ám ảnh sợ cụ thể, hội chứng sợ búp bê có thể gây ra một loạt các triệu chứng tinh thần và thể chất. Bao gồm:

  • Thở gấp hoặc tăng nhịp tim
  • Đổ mồ hôi, nóng bừng hoặc ớn lạnh
  • Hụt hơi
  • Run rẩy mình mẩy, tay chân
  • Đau ngực
  • Cảm xúc nghẹn ngào
  • Bụng khó chịu, buồn nôn hoặc nôn ói
  • Cảm thấy chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu
  • Cảm giác sợ hãi tột độ
dấu hiệu nhận biết chứng sợ Pediophobia
Người mắc chứng sợ Pediophobia có thể sợ hãi tột độ và run rẩy khi nhìn thấy búp bê

Nếu con bạn gặp phải bất cứ triệu chứng nào trên đây khi “chạm trán” với búp bê thì đó có thể là do chứng sợ Pediophobia. Lúc này bạn nên theo dõi thêm và chủ động đưa con đi thăm khám. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết để hạn chế các vấn đề ảnh hưởng.

Chẩn đoán hội chứng sợ búp bê

Để chẩn đoán hội chứng sợ búp bê (Pediophobia), bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ cần thực hiện một cuộc thăm khám lâm sàng với người bệnh. Bác sĩ thường sẽ hỏi một số câu hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh của bạn hoặc yêu cầu bạn điều vào bảng câu hỏi.

Bác sĩ có thể sẽ tuân theo các hướng dẫn chẩn đoán do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản, được gọi là Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) về các tình trạng sức khỏe tâm thần, trong đó có chứng ám ảnh sợ cụ thể (bao gồm cả chứng sợ búp bê).

Chẩn đoán chứng sợ Pediophobia thường được xác định khi chuyên gia sức khỏe tâm thần xác nhận những điều sau:

  • Nỗi ám ảnh cụ thể về búp bê luôn gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng ngay lập tức
  • Cố tình tránh tiếp xúc với búp bê, nếu không thể tránh được sẽ gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng rất dữ dội
  • Sự sợ hãi và lo lắng về búp bê không tương xứng với mối nguy hiểm hoặc đe dọa tức thì
  • Sự sợ hãi, lo lắng và trốn tránh có xu hướng diễn ra thường xuyên và nhất quán theo thời gian
  • Tình trạng sợ hãi ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống
chẩn đoán hội chứng sợ búp bê
Bác sĩ có thể hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh để chẩn đoán chứng sợ Pediophobia

Ngoài ra, bác sĩ có thể muốn loại trừ một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác có khả năng liên quan tới sự phát triển của chứng ám ảnh sợ hãi. Chẳng hạn như rối loạn hoảng sợ, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Cách điều trị hội chứng sợ búp bê

Đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được nghiên cứu dành riêng cho hội chứng sợ búp bê (Pediophobia). Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp giữa liệu pháp và thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc điều trị các chứng ám ảnh sợ cụ thể, bao gồm cả Pediophobia.

1. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu luôn là lựa chọn ưu tiên khi điều trị các chứng ám ảnh sợ cụ thể. Riêng đối với hội chứng sợ búp bê, chuyên gia tâm lý sẽ căn cứ vào mức độ bệnh cùng với nhiều yếu tố liên quan khác để đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp. Có thể bao gồm:

– Liệu pháp tiếp xúc:

Liệu pháp tiếp xúc (giải mẫn cảm có hệ thống) chính là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng sợ búp bê. Liệu pháp này bao gồm việc cho người mắc chứng sợ Pediophobia dần tiếp xúc với búp bê. Ngoài ra chuyên gia tâm lý còn dạy người bệnh các kỹ thuật khác nhau nhằm đối phó với lo lắng. Các bài tập thở và thư giãn thường được ưu tiên.

Liệu pháp tiếp xúc thường bắt đầu với mức độ từ thấp đến cao. Trước hết chuyên gia sẽ cho bạn xem ảnh búp bê và thực hành các kỹ thuật thư giãn. Sau đó, bạn có thể được xem một đoạn video ngắn về búp bê, cùng với đó là thực hành thở và thư giãn. Cuối cùng, bạn có thể ở cùng phòng với chuyên gia tâm lý và một con búp bê thật.

– Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT):

DBT là một liệu pháp điều trị hiệu quả đối với những người đang đấu tranh với sự thay đổi cảm xúc. Nó thường được dùng để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên liệu pháp này cũng đã được chứng minh là có lợi với những người mắc hội chứng sợ búp bê.

Liệu pháp hành vi biện chứng có thể được áp dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như trang bị kỹ năng trong một nhóm DBT kéo dài khoảng 6 tháng, có thể có từ 2 người hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, kỹ thuật “cười nửa miệng”, thiền chánh niệm, lập kế hoạch đối phó trước,… cũng được sử dụng nhiều trong DBT.

– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

Liệu pháp nhận thức – hành vi là một can thiệp tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tâm thần rất tốt. CBT được dùng phổ biến cho những người bị rối loạn lo âu. Ngoài ra, những người mắc chứng sợ Pediophobia cũng có thể được hưởng lợi từ CBT.

điều trị chứng sợ Pediophobia
Tâm lý trị liệu mang lại nhiều cải thiện tích cực cho người mắc hội chứng sợ búp bê

CBT có thể giúp người bệnh bình tĩnh hơn và phân tích nỗi sợ hãi sâu hơn. Ngoài ra, thông qua CBT, chuyên gia tâm lý còn giúp người bệnh học được nhiều kỹ năng khác nhau nhằm giúp làm giảm bớt sự lo lắng có liên quan đến hội chứng sợ búp bê.

– Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR):

MBSR là một chương trình được xây dựng kéo dài 8 tuần cung cấp đào tạo chánh niệm chuyên sâu nhằm giúp những người đang bị căng thẳng, lo lắng, trầm cảm hoặc các loại đau khổ khác về tinh thần. MBSR có thể giúp ích đáng kể cho một người mắc chứng sợ Pediophobia. Nó giúp giải tỏa nỗi lo lắng dữ dội có liên quan đến chứng ám ảnh sợ hãi này.

2. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh dùng thêm thuốc song song với điều trị tâm lý. Thuốc có thể giúp làm giảm căng thẳng, lo lắng và các triệu chứng tinh thần khác liên quan đến nỗi sợ hãi về búp bê. Hơn nữa còn hỗ trợ cho quá trình trị liệu diễn ra thuận lợi hơn.

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa cho hội chứng sợ búp bê bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Ngoài được sử dụng cho bệnh trầm cảm thì các thuốc chống trầm cảm còn giúp ích cho những người mắc chứng sợ Pediophobia. Paxil, Zoloft và Lexapro là các loại thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất. Những loại thuốc này được dùng hằng ngày giúp ngăn chặn các cơn hoảng loạn xảy ra. Đồng thời giúp giảm bớt lo lắng của người bệnh.
  • Thuốc chống lo âu: Nhóm thuốc này đặc biệt hữu ích trong việc ngăn chặn các cơn hoảng sợ. Thuốc chống lo âu có thể được dùng cho những người mắc chứng sợ búp bê nghiêm trọng. Xanax, Valium và Klonopin là những loại thuốc chống lo âu được dùng phổ biến nhất. Tuy nhiên chúng chỉ được sử dụng có chừng mực và thường không được dùng hằng ngày.

3. Các giải pháp hỗ trợ khác

Bên cạnh các liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc thì người bệnh có thể áp dụng thêm một số giải pháp hỗ trợ khác để thúc đẩy quá trình kiểm soát nỗi sợ hãi. Đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất.

Các giải pháp được đề cập bao gồm:

– Thiền chánh niệm:

Thiền chánh niệm là một hình thức thiền định đã được chứng minh là có thể giúp một người đi vào trạng thái bình tĩnh hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho người mắc chứng sợ Pediophobia. Trong khi thiền, việc tập trung vào hơi thở có thể đánh lạc hướng bản thân khỏi nỗi sợ hãi. Ngoài tập trung vào hơi thở thì bạn cũng có thể tập trung vào âm thanh xung quanh, mùi hương hay cảm giác của da khi chạm vào các đồ vật nhất định.

kiểm soát chứng sợ Pediophobia
Thiền chánh niệm có thể giúp người mắc chứng sợ Pediophobia đánh lạc hướng bản thân khỏi nỗi sợ hãi

– Yoga:

Có rất nhiều tư thế yoga khác nhau có khả năng mang lại lợi ích đáng kể đối với người đang mắc hội chứng sợ búp bê. Yoga có thể được coi là một hình thức thiền trong chuyển động. Nó sẽ giúp làm giảm bớt một số lo lắng liên quan tới chứng sợ Pediophobia. Bởi khi tham gia vào yoga, sự chú ý của bạn sẽ được chuyển sang một việc khác hiệu quả hơn.

– Bài tập:

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho những người đang gặp phải các vấn đề tâm lý, bao gồm cả chứng sợ búp bê. Các chuyên gia tâm lý cho biết, hoạt động thể chất có khả năng hỗ trợ điều hòa tâm trí. Từ đó giúp một người đối phó tốt hơn với các tình huống căng thẳng. Nên tham gia vào các hình thức tập thể dục nhịp điệu bởi chúng giúp thúc đẩy giải phóng các chất hóa học trong não như endorphin, mang đến cảm giác thư giãn, thoải mái và hạnh phúc.

– Giảm caffeine:

Tiêu thụ một lượng lớn caffeine suốt cả ngày có thể làm gia tăng mức độ lo lắng và căng thẳng. Về cơ bản, cơ thể bạn sẽ chuyển sang trạng thái tâm lý được gọi là “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Trạng thái tâm lý này thường là dấu hiệu cảnh báo trước về tình trạng một người mắc chứng sợ hãi phải trải qua các cơn hoảng loạn. Do đó, những người mắc chứng sợ Pediophobia được khuyên là nên tiêu thụ ít hoặc không sử dụng caffeine trong suốt cả ngày.

Hội chứng sợ búp bê (Pediophobia) là một dạng rối loạn rất khó chịu, nhất là đối với trẻ nhỏ bởi chúng có thể tiếp xúc với búp bê thường xuyên trong khi chơi. Nỗi sợ hãi này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Do đó cần sớm tìm gặp chuyên gia tâm lý để được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách.

Bài viết liên quan

chọn tư thế ngồi phù hợp khi phỏng vấn
Mẹo Giảm Căng Thẳng Hồi Hộp Khi Tham Gia Phỏng Vấn
Mạng xã hội và những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý người dùng
7 Mẹo đọc vị tâm lý ứng viên – Chìa khóa vàng trong tuyển dụng

Filed Under: Tâm Lý

Previous Post: « Lợi Ích Đọc Sách Giúp Giải Tỏa Stress Căng Thẳng
Next Post: Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách can thiệp »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Đánh giá chất lượng xà bông cục qua phôi xà phòng
  • Hạt hướng dương: Lợi ích và những nguy hại tiềm ẩn
  • Tư thế bò cạp trong yoga là gì? Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện
  • Chi phí vốn là gì? Tìm hiểu và phương pháp xác định nhanh chóng và đơn giản
  • Chiết xuất hoa cúc tím (Echinacea) là gì? Có công dụng gì cho da?
  • Barcode là gì? Tìm hiểu về ứng dụng của barcode (mã vạch) trong cuộc sống
  • Gạo hữu cơ là gì và có thực sự an toàn để sử dụng hay không?
  • Chỉ số đường huyết là gì? Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
  • Chả quyên, tái châu quế lầu, keo ly là gì mà siêu hot trên Tiktok?
  • Kinetin là gì? Có thật sự hiệu quả trong việc chống lão hóa cho da?

Chuyên mục

  • Blog
  • Gen Z
  • Giải Ngố
  • Tâm Lý
  • Thủ Thuật
  • Toplist

Copyright © 2023 · GDTD - Blog Chia Sẻ Kiến Thức Hay