• Giải Ngố
  • Tiếng Anh
  • Blog
  • Toplist
  • Gen Z
  • Tâm Lý

GDTD - Blog Chia Sẻ Kiến Thức Hay

Tâm Lý Trị Liệu Là Gì? 8 Phương Pháp Trị Liệu Phổ Biến Hiện Nay

06/01/2023 by GDTD Leave a Comment

Tâm lý trị liệu là hệ thống các phương pháp có vai trò quan trọng trong điều trị những vấn đề về tâm lý, tâm thần. Phương pháp này bắt đầu được quan tâm vào giữa thế kỷ 19 nhưng chỉ thực sự phổ biến trong vài năm trở lại đây.

tâm lý trị liệu là gì
Tâm lý trị liệu bao gồm một hệ thống các kỹ thuật được thực hiện nhằm điều chỉnh những bất thường về mặt tâm lý

Tâm lý trị liệu là gì? Lịch sử ra đời

Tâm lý trị liệu hay trị liệu tâm lý (Psychotherapy) là phương pháp điều trị chính cho các rối loạn tâm thần bên cạnh liệu pháp hóa dược. Liệu pháp này bao gồm một hệ thống các kỹ thuật được thực hiện với mục đích điều chỉnh những bất thường về tư duy (nhận thức), cảm xúc và hành vi.

Mục tiêu của tâm lý trị liệu là cải thiện các triệu chứng tâm thần và thể chất có liên quan. Đồng thời tăng các kỹ năng xã hội và giúp người bệnh thích nghi, hòa nhập tốt với cộng đồng. Nói một cách đơn giản, tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị không xâm lấn nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và cuộc sống cho người gặp phải các vấn đề tâm lý, tâm thần.

So với sử dụng thuốc, phương pháp này an toàn hơn vì được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Hơn nữa, trị liệu tâm lý không giới hạn độ tuổi của bệnh nhân. Tùy vào độ tuổi, tín ngưỡng, tính cách, học vấn,… của người bệnh, nhà trị liệu sẽ lựa chọn phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp.

Thực tế, tâm lý trị liệu mới chỉ phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều ghi chép, phương pháp này đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Mặc dù liệu pháp hóa dược được sử dụng trước và phổ biến hơn nhưng trị liệu tâm lý là phương pháp ra đời trước. Đến năm 1853, phương pháp này bắt đầu được nghiên cứu sâu và phát triển mạnh mẽ.

Các rối loạn tâm thần gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe. Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên đều chưa được xác định rõ. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn và bất cập trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, sự ra đời của tâm lý trị liệu giúp ích rất nhiều trong việc ổn định cuộc sống lâu dài và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc.

Ý nghĩa của trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu có ý nghĩa quan trọng đối với các rối loạn tâm lý – tâm thần. Không chỉ có hiệu quả trong việc điều trị, phương pháp này cũng hỗ trợ trong chẩn đoán một số bệnh tâm thần có triệu chứng phức tạp, không điển hình và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác.

Ý nghĩa của trị liệu tâm lý:

1. Hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán

Các rối loạn tâm thần thường không có thương tổn thực thể mà chủ yếu được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể khác nhau ở từng bệnh nhân và giai đoạn bệnh. Sự phức tạp về biểu hiện lâm sàng gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán.

Hiện nay, ngoài tiêu chuẩn DSM-5 và ICD-10, các chuyên gia còn ứng dụng tâm lý trị liệu trong quá trình chẩn đoán. Mức độ đáp ứng với liệu pháp phần nào có thể phản ảnh các triệu chứng mà người bệnh gặp phải chính là biểu hiện của rối loạn tâm thần.

2. Ý nghĩa trong điều trị

Vai trò chính của tâm lý trị liệu là điều trị các vấn đề tâm lý, tâm thần. Hiện nay, nguyên nhân gây ra các bệnh lý này vẫn chưa được xác định nên quá trình điều trị và phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Nếu như trước đây bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc thì hiện tại, với sự hỗ trợ của trị liệu tâm lý, người bệnh có thể kiểm soát cảm xúc và ổn định về mặt tinh thần.

các phương pháp trị liệu tâm lý
Hiện nay, trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với quá trình điều trị rối loạn tâm lý bên cạnh sử dụng thuốc

Trong trị liệu tâm lý, chuyên gia tạo ra các can thiệp phù hợp nhằm điều chỉnh cảm xúc và tư duy của người bệnh. Từ đó giúp người bệnh thay đổi các quan niệm lệch lạc về bản thân, mọi người và các khía cạnh khác của xã hội. Đồng thời giúp nâng cao lòng tự trọng và bồi dưỡng nhân cách, xây dựng những tính cách tích cực như lạc quan, vui vẻ, mạnh mẽ, quyết đoán,…

Các rối loạn tâm thần đều làm suy giảm chức năng xã hội khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong những hoạt động thường ngày, các mối quan hệ xã hội, làm suy giảm hiệu suất lao động, học tập,… Vì vậy ngoài những mục đích trên, trị liệu tâm lý còn được thực hiện nhằm giúp người bệnh trang bị các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, ứng phó với stress, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu trị liệu nhóm/ gia đình để nâng cao kiến thức về sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người. Bởi hiểu biết hạn chế chính là nguyên nhân sâu xa khiến bệnh nhân không được tiếp cận kịp thời với các biện pháp chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, đây cũng là cách phòng ngừa tái phát hiệu quả và giúp mỗi người ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe tâm thần.

Trị liệu tâm lý với mục đích điều trị thường được thực hiện theo quy trình sau:

  • Tạo mối quan hệ đáng tin cậy có tính trị liệu
  • Giúp người bệnh thoải mái chia sẻ và giải tỏa cảm xúc dồn nén
  • Xây dựng sự thấu hiểu và đồng cảm
  • Tạo các can thiệp, tác động phù hợp nhằm điều chỉnh cảm xúc, nhận thức và hành vi
  • Trước khi kết thúc trị liệu, chuyên gia sẽ trang bị cho người bệnh các kỹ năng và kiến thức hữu ích

3. Hỗ trợ các lĩnh vực khác

Ngày nay, tâm lý trị liệu đã vượt ra khỏi phạm vi y học và đã được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành như giáo dục, tư pháp, xã hội học,… Liệu pháp này cũng được thực hiện để truy tìm và đoán tâm lý tội phạm.

8 Phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến hiện nay

Đến nay, đã có đến hơn 60 phương pháp trị liệu tâm lý được nghiên cứu. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của các liệu pháp là khác nhau nên không phải phương pháp nào cũng được áp dụng. Hiện tại, các chuyên gia tâm lý ưu tiên 8 phương pháp trị liệu sau:

1. Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi (Behavior Therapy) là một trong những phương pháp trị liệu ra đời từ rất sớm. Như tên gọi, phương pháp này tập trung đến hành vi có thể quan sát được mà không quan tâm đến nhận thức (tư duy) hay cảm xúc của người bệnh. Liệu pháp này giúp thay đổi các hành vi tự hủy hoại bản thân và những hành vi lệch chuẩn, không lành mạnh.

Trong liệu pháp hành vi, chuyên gia sẽ tạo ra các kích thích bằng hành động nhằm thiết lập phản xạ có điều kiện. Như vậy, người bệnh sẽ thay đổi các hành vi dị thường của bản thân và có hành vi đúng đắn hơn trong các tình huống của cuộc sống

các phương pháp trị liệu tâm lý
Liệu pháp hành vi có hiệu quả trong điều trị rối loạn ăn uống, hội chứng Self-Harm và rối loạn tăng động giảm chú ý

Phương pháp này được áp dụng cho nhiều rối loạn tâm thần và đặc biệt có hiệu quả với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng Self-Harm và rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng chất. Trong phương pháp này bao gồm nhiều liệu pháp nhỏ khác sẽ được chuyên gia cân nhắc để lựa chọn liệu pháp phù hợp với từng bệnh nhân.

2. Liệu pháp nhận thức

Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy) ra đời vào năm 1960 bởi Bác sĩ, chuyên gia tâm thần học người Mỹ Aaron T. Beck. Liệu pháp này thường được thực hiện ngắn hạn với mục đích điều chỉnh nhận thức (suy nghĩ) của bệnh nhân. Bởi liệu pháp nhận thức cho rằng, cảm xúc và hành vi của mỗi người bị chi phối bởi nhận thức (suy nghĩ).

Tập trung vào suy nghĩ sẽ giúp người bệnh điều chỉnh những quan niệm lệch lạc, tiêu cực, qua đó giúp giải tỏa cảm xúc và định hình hành vi lành mạnh, đúng đắn hơn. Trong liệu pháp nhận thức, chuyên gia không tập trung tìm hiểu những sự kiện gây tổn thương trong quá khứ mà hướng đến việc giải quyết vấn đề ở hiện tại.

3. Liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT)

Liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng rộng rãi nhất ở thời điểm hiện tại. Liệu pháp này được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn hành vi và các rối loạn nhân cách. Nhìn chung, CBT hiệu quả với hầu hết các rối loạn tâm thần. Đây cũng là lý do phương pháp này được áp dụng rộng rãi và được đánh giá cao.

các phương pháp trị liệu tâm lý
Liệu pháp hành vi – nhận thức là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất

Liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) giúp bệnh nhân xác định và điều chỉnh những suy nghĩ lệch lạc, không lành mạnh về bản thân và mọi khía cạnh trong cuộc sống. Suy nghĩ này sẽ chi phối đến cảm xúc và hành vi dẫn đến nhiều phiền toái trong các mối quan hệ, công việc, học tập,…

Thay đổi suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp người bệnh giảm đi các cảm xúc bi quan và có hành vi phù hợp hơn. Thông qua CBT, bệnh nhân sẽ biết cách đánh giá và nhìn nhận mọi thứ khách quan và thực tế. Phương pháp này cũng bao gồm nhiều liệu pháp nhỏ và chuyên gia sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp với từng bệnh nhân.

4. Liệu pháp hệ thống

Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy) còn được gọi là trị liệu gia đình (Family Therapy). Liệu pháp này được thực hiện dựa trên quan niệm cá nhân là một phần của hệ thống và chịu tác động từ hệ thống đó. Trong liệu pháp hệ thống, nhà trị liệu không đánh giá cá nhân một cách độc lập mà nhìn toàn cảnh trong bối cảnh gia đình, văn hóa và xã hội.

Thông qua liệu pháp này, chuyên gia sẽ thay đổi ảnh hưởng/ tương tác của hệ thống đối với cá nhân (có thể là bạn đời, gia đình hoặc nhóm đồng nghiệp,…) nhằm giúp người bệnh thay đổi cảm xúc và thái độ. Liệu pháp hệ thống rất có hiệu quả trong việc tháo gỡ xung đột, mâu thuẫn và giúp những người xung quanh hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc của người bệnh.

Ngoài ra, liệu pháp hệ thống cũng được áp dụng cho những trường hợp cả gia đình đều bị rối loạn tâm thần (thường do di truyền hoặc ảnh hưởng do quá trình sống chung). Trong trường hợp này, việc can thiệp trị liệu độc lập có thể không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, tiếp cận đến toàn bộ các thành viên trong gia đình sẽ mang lại hiệu quả cao và giúp các bệnh nhân hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

5. Liệu pháp phân tâm học

Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic Therapy) cũng là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp thông qua ngôn ngữ, dựa trên lý thuyết về phân tâm học của Bác sĩ Sigmund Freud ra mắt vào cuối thế kỷ 19.

Lý thuyết phân tâm học cho rằng hành vi của con người bị chi phối bởi những động lực vô thức, đồng thời các trạng thái cảm xúc bất thường bắt nguồn từ xung đột giữa tâm trí có ý thức và vô thức.

Ngoài ra, lý thuyết này cũng cho rằng, quá trình phát triển nhân cách bị ảnh hưởng đáng kể bởi những sự kiện xảy ra từ thời thơ ấu. Do đó, chuyên gia sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật để khởi gợi các ký ức, cảm xúc bị kìm nén ở sâu bên trong để đánh giá ảnh hưởng của sự kiện đối với nhân cách, cảm xúc, tư duy và hành vi hiện tại của người bệnh.

các phương pháp trị liệu tâm lý
Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic Therapy) có thời gian trị liệu dài hơn so với các phương pháp khác

Liệu pháp phân tâm học bao gồm nhiều phương pháp như:

  • Phân tích mộng
  • Liên tưởng tự do
  • Phân tích chuyển di
  • Phân tích chống đối

Trong liệu pháp phân tâm học, nhà trị liệu sẽ dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ từ bệnh nhân. Phương pháp này được áp dụng trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý, đặc biệt là bệnh lý có liên quan đến những sự kiện sang chấn xảy ra trong quá khứ như hội chứng Self-Harm, các rối loạn tâm thần gây ra những bất thường về tình dục, rối loạn nhân cách, rối loạn đa nhân cách,…

Nhiều cuộc đánh giá được thực hiện để xác định tính hiệu quả của liệu pháp phân tâm học cho thấy, phương pháp này có thể cải thiện lâu dài các triệu chứng của bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,… Tuy nhiên, thời gian trị liệu bằng liệu pháp phân tâm học tương đối dài (khoảng 3 – 5 buổi/ tuần và kéo dài trong ít nhất 1 năm).

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị căng thẳng khi trị liệu bằng phương pháp này do việc khơi gợi những ký ức và cảm xúc đau buồn trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là một phần của điều trị và điều này cũng sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của sự kiện đối với hành vi hiện tại của bản thân.

6. Liệu pháp nhân văn

Liệu pháp nhân văn (Humanistic Therapy) ít được sử dụng hơn so với các phương pháp trên. Liệu pháp này hướng đến việc bộc lộ con người thật để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Liệu pháp nhân văn được xây dựng dựa trên quan niệm, mỗi người sẽ có cái nhìn riêng về thế giới và điều này chi phối hành vi, cảm xúc và những lựa chọn trong cuộc sống.

Liệu pháp này cũng giúp người bệnh hiểu rằng, việc đánh giá thấp bản thân sẽ khó có thể phát huy tiềm năng của chính mình. Nhìn chung, liệu pháp nhân văn giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về thế giới quan và học cách chấp nhận chính mình. Khác với liệu pháp phân tâm học, liệu pháp này không tập trung vào những trải nghiệm trong quá khứ mà hướng đến cuộc sống hiện tại của người bệnh.

Liệu pháp nhân văn không chỉ được thực hiện đối với người bị rối loạn tâm thần mà có thể áp dụng cho cả người khỏe mạnh. Nhiều người tìm đến liệu pháp này với mục đích hiểu rõ bản thân và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Liệu pháp nhân văn có hiệu quả trong việc chữa lành tổn thương tâm lý, giúp người bệnh vượt qua xung đột trong các mối quan hệ và đương đầu với bệnh tật. Tuy nhiên, phương pháp này ít có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm.

7. Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên (Hypnosis) hiện nay ít được sử dụng. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ tạo ra trạng thái ám thị đối với bệnh nhân. Trước khi thực hiện, chuyên gia sẽ trao đổi trước và bắt buộc phải có sự đồng ý của người bệnh. Trong trạng thái ám thị, nhà trị liệu sẽ gợi nhắc những hoàn cảnh có thật hoặc tưởng tượng với mục đích giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, bi quan, tuyệt vọng,…

các phương pháp trị liệu tâm lý
Liệu pháp thôi miên (Hypnosis) vừa giúp cải thiện các triệu chứng tâm thần vừa hỗ trợ giảm nhẹ các vấn đề thể chất

Ngoài ra, khi bệnh nhân bị thôi miên, chuyên gia sẽ tạo ra những kích thích phù hợp để điều chỉnh các hành vi không lành mạnh như ăn uống quá mức, hút thuốc lá, mất ngủ,… Liệu pháp này cũng được áp dụng để cải thiện tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư và giảm cơn đau mãn tính do hội chứng ruột kích thích, đau cơ xơ hóa, đau do phẫu thuật,…

Bệnh nhân bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn lo âu cũng sẽ được xem xét liệu pháp thôi miên nếu các phương pháp trị liệu tâm lý khác không mang lại hiệu quả.

8. Các liệu pháp hỗ trợ

Ngoài các phương pháp trị liệu chính, bệnh nhân cũng sẽ được xem xét thực hiện thêm một số liệu pháp hỗ trợ như:

  • Liệu pháp tâm kịch (Psychodrama Therapy)
  • Âm nhạc trị liệu/ Liệu pháp âm nhạc (Music Therapy)
  • Trò chơi liệu pháp (Play Therapy)

Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá từng trường hợp để lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp. Vì vậy, quá trình trị liệu tâm lý có thể sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân từ phương pháp cho đến cách thức và thời gian trị liệu.

Tâm lý trị liệu đang trở thành xu hướng trong điều trị các rối loạn tâm thần nhờ có hiệu quả cao, ít phụ thuộc và hoàn toàn không xâm lấn. Kết hợp phương pháp này cùng với liệu pháp hóa dược và cách chăm sóc hợp lý mang đến kết quả rất khả quan. Hiện tại, lĩnh vực trị liệu tâm lý ở nước ta vẫn còn khá hạn chế. Do đó, bệnh nhân cần lựa chọn các trung tâm uy tín để đạt kết quả tích cực sau quá trình trị liệu.

Bài viết liên quan

chọn tư thế ngồi phù hợp khi phỏng vấn
Mẹo Giảm Căng Thẳng Hồi Hộp Khi Tham Gia Phỏng Vấn
Mạng xã hội và những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý người dùng
7 Mẹo đọc vị tâm lý ứng viên – Chìa khóa vàng trong tuyển dụng

Filed Under: Tâm Lý

Previous Post: « Hội chứng ảo tưởng người khác thích mình (Erotomania)
Next Post: 10 Cách gây ấn tượng ngay lần đầu gặp mặt với nhau »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Cla (Axit Linoleic liên hợp) là gì? Có nên giảm cân bằng Cla
  • Tummy time là gì? Lợi ích của tummy time đối với trẻ sơ sinh?
  • Son dưỡng là gì? Đã yêu môi của mình thì đừng quên tìm hiểu điều này
  • Bọng mắt là gì? Tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp điều trị
  • Bệnh care ở chó là gì, có chữa dứt điểm được không?
  • Huyệt Ty trúc không là gì? Có tác dụng gì khi châm cứu, bấm huyệt?
  • Molybden là gì?
  • CC Cream là gì? Những điều cần biết về CC Cream
  • Sơn thạch là gì? 100+ mẫu nail thạch nhẹ nhàng, xinh xắn
  • Mộng du khi ngủ là gì? Có nguy hiểm cho sức khỏe hay không?

Chuyên mục

  • Blog
  • Gen Z
  • Giải Ngố
  • Tâm Lý
  • Thủ Thuật
  • Toplist

Copyright © 2023 · GDTD - Blog Chia Sẻ Kiến Thức Hay